Lý thuyết GDCD 6 Bài 10 (Kết nối tri thức): Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Bài 10: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

  1. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013

a. Thế nào là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân?

Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là các quyền và nghĩa vụ chủ yếu, liên quan mật thiết đến đời sống của mỗi công dân, được ghi nhận trong Hiến pháp. Đây là nền tảng pháp lý quy định mối quan hệ cơ bản nhất giữa Nhà nước và công dân.

Quyền công dân luôn gắn liền với nghĩa vụ của công dân, không thể tách rời. Mỗi công dân vừa được hưởng quyền lợi, vừa phải thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm đảm bảo và bảo vệ việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật.

 b. Nội dung quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013

Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được phân thành các nhóm như sau:

Nhóm quyền chính trị:

Quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước (Điều 27).

Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28).

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí (Điều 25).

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 24).

Nhóm quyền dân sự:

Quyền sống, được pháp luật bảo vệ tính mạng (Điều 19).

Quyền bình đẳng giới (Điều 26).

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm (Điều 20).

Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình (Điều 21).

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 22).

Quyền tự do đi lại và cư trú (Điều 23).

Quyền tự do kết hôn và ly hôn (Điều 36).

Nhóm quyền về kinh tế:

Quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33).

Quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp (Điều 35).

Quyền sở hữu tài sản hợp pháp như thu nhập, của cải, nhà ở, tư liệu sản xuất (Điều 32).

Nhóm quyền về văn hóa và xã hội:

Quyền học tập (Điều 39).

Quyền nghiên cứu khoa học, sáng tạo văn học, nghệ thuật (Điều 40).

Quyền được đảm bảo an sinh xã hội (Điều 34).

Các nghĩa vụ cơ bản của công dân:

Nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc (Điều 44).

Nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân (Điều 45).

Nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật (Điều 46).

Nghĩa vụ nộp thuế (Điều 47).

Nghĩa vụ học tập (Điều 39).

Nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43).

 2. Thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Quyền công dân không thể tách rời nghĩa vụ công dân: Mỗi công dân được hưởng các quyền lợi chính đáng nhưng đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ do Nhà nước quy định.

Tôn trọng quyền của người khác: Công dân có nghĩa vụ tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bình đẳng trước pháp luật: Tất cả công dân đều bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, tôn giáo hay địa vị trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, và xã hội.

Không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc: Mọi hành vi thực hiện quyền công dân phải đảm bảo không xâm phạm lợi ích chung, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

 

  Ý nghĩa của quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người và công dân.

Đảm bảo sự công bằng, dân chủ và văn minh trong xã hội.

Góp phần xây dựng đất nước vững mạnh, mỗi cá nhân phát huy được tiềm năng và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cộng đồng và quốc gia.

Tài liệu tham khảo giáo dục công dân 6

 

Chia sẻ bài viết
Bạn cần phải đăng nhập để đăng bình luận
Top