Đề thi thử môn Ngữ văn chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia 2024

ĐỀ THI THAM KHẢO DẠNG 1
CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2024-2025
Môn: Ngữ Văn
Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian phát đề)
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
                               CỎ DẠI CŨNG CÓ ĐỨC HIẾU SINH
            … Vạn vật trên cõi đời này đều phải nỗ lực hết mức để tồn tại. Như những cây cỏ dại mọc ven đường - Đến cái tên cũng không được người đời nhớ tới - cũng đang nỗ lực để sống. Những cây cỏ dại ấy, tuy mọc lên giữa vết nứt trên đường nhựa, bị thiêu đốt bởi cái nóng ngày hè nhưng nó vẫn nỗ lực vượt qua chỗ chật chội, thoát khỏi nóng bỏng để nở hoa, kết hạt. Một nhánh cỏ dại cũng biết chịu đựng hoàn cảnh để tồn tại. 
    Thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta tồn tại được cũng là nhờ sự nỗ lực của từng nhánh, từng nhánh cỏ dại mọc lên từ vết nứt trên đường nhựa vậy. Động vật, kể cả côn trùng cũng thế. Để sống còn, tất cả đều phải nỗ lực hết mình. Nỗ lực không phải là điều gì đặc biệt cả. Nỗ lực là lẽ đương nhiên để tồn tại. 
     Trong học tập, trong công việc nhiều khi nỗ lực rồi mà vẫn không thành công. Những lúc đó chúng ta thử tiếp tục cố gắng, cố gắng đến mức tối đa mà vẫn không thành thì sau đó có phải bỏ cuộc mới không ân hận. 
    Nhưng nếu đó là kết quả nỗ lực nửa vời thì thế nào cũng có lúc các bạn phải hối hận và thất vọng: “Biết vậy mình cố gắng thêm chút nữa thì đâu đến nỗi này”. Không có gì vô nghĩa bằng cuộc đời của những người suốt đời chỉ biết có “Lẽ ra…” hay “Biết thế…”
       … Nỗ lực tối đa là điều kiện tiên quyết để chúng ta sống tồn tại được trên trái đất này. Bất kể kết quả là thế nào, miễn là các bạn hãy coi trọng từng giây, coi trọng từng phút, nỗ lực và nỗ lực không ngừng…và đó chính là sức mạnh của tự nhiên.
(Trích: Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực, Inamori Kazuo, NXB trẻ, 2019, Tr.118-119)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: Nêu ý nghĩa nhan đề văn bản. 
Câu 2: Anh/ chị hiểu như thế nào về câu: Thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta tồn tại được cũng là nhờ sự nỗ lực của từng nhánh, từng nhánh cỏ dại mọc lên từ vết nứt trên đường nhựa vậy.
Câu 3: Việc sử dụng phổ biến kiểu câu cầu khiến trong văn bản có tác dụng gì?   
Câu 4: Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt về nội dung của văn bản với nội dung 4 câu thơ sau:
Những giọt sương lặn vào lá cỏ
Qua nắng gắt, qua bão tố
Vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh
Vẫn long lanh, bình thản trước vầng dương
                                                  (Trích: Sự bùng nổ của mùa xuân, Thanh Thảo)
Câu 5: Suy nghĩ của anh/ chị về quan điểm: Các bạn hãy coi trọng từng giây, coi trọng từng phút, nỗ lực và nỗ lực không ngừng trong cuộc sống hiện nay. 
 II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
       Trong Cuốn sách: Good luck - Bí mật của may mắn của tác giả Alechroviza và Fernando, bí mật đầu tiên của may mắn được nêu ra là: May mắn do chính chúng ta tạo ra.
     Anh/ chị hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm về cách tạo ra điều may mắn cho chính mình. 
Câu 2: (4,0 điểm)
Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh cảm hứng về đất nước trong hai đoạn thơ sau:
…Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau éo rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng
                            (...)
Tôi yêu đất nước này những buổi mai
Không ai cười không tiếng hát trẻ con
Đất đá cỏ cây ơi
Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
Ăn quán nằm cầu
Hai hàng nước mắt chảy ra
Mỗi đêm cầu trời khấn phật, tai qua nạn khỏi
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đất nước này như thế
Như yêu cây cỏ trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay.
     (Trích: Bài thơ của một người yêu nước mình, 19/12/1967, Trần Vàng Sao)
    Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Gió rừng cao xào xạc lá đổ
Gió mù mịt những con đường bụi đỏ
Những dòng sông ào ạt cánh buồm căng
Chớm heo may trên những ngọn cau vàng
Nồm nam thổi, khắp đồng bông gạo trắng
Người xa cách vẫn chung trời gió lộng
Thương vết bùn trên áo khô se.
(…)
Dẫu đêm nay ngọn gió mùa hè
Còn bề bộn một vùng gạch ngói
Lịch sử quay những vòng xoáy  gian nan
Đất nước tôi như một con thuyền
Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xóa.

Ước chi được hóa thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời...

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi…

 (Trích: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Lưu Quang Vũ, Tinh hoa thơ Việt, NXB Hội nhà văn, 2007)

 Chú thích
    1. Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 mất năm 2018 ở Thừa Thiên Huế. Trần Vàng Sao là một con người sống trong sáng, giản dị, "Một nội lực, một trí thức có suy nghĩ riêng của mình, có nỗi đau nhưng biết biến nó thành cách sống". Một số tập thơ của ông đã được như: Gọi xác tìm đồng đội (NXB Hội nhà văn, 2012), Bài thơ của một người yêu nước mình (NXB Hội nhà văn, 2018). Bài thơ của một người yêu nước mình được sáng tác tháng 12 năm 1967 khi ông đang ở trên chiến khu đầu nguồn sông Hương và được chọn trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX. Tháng 8/2020 tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của nhà thơ Trần Vàng Sao lại được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam hợp tác xuất bản. Ngày 12/11/2021, tập thơ được trao thưởng giải thưởng sách quốc gia 2021.
    2. Lưu Quang Vũ (1948-1988) quê gốc ở Đà Nẵng, là tác giả thành công trên nhiều thể loại, nổi bật nhất là thơ và kịch. Thơ ông phóng khoáng, tài hoa, có sự chuyển biến rõ nét từ phong cách thơ mộng, trong trẻo thời kì đầu sang phong cách triết luận với nhiều day dứt về thế sự ở thời kì sau. Trong những năm tám mươi của thế kỉ XX, ông là cây bút năng động, giàu sức sáng tạo bậc nhất của kịch trường Việt Nam, có nhiều vở kịch gây tiếng vang lớn đề cập những vấn đề nóng bỏng tính thời sự, vừa có ý nghĩa triết lí sâu sắc. Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Hương cây- Bếp lửa (Thơ, in chung, 1968), Mùa hè đang đến (Truyện ngắn, 1984) Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Kịch,1984)…Lưu Quang Vũ được truy tặng giải thưởng Hồ Chí  Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. 
----------Hết----------


Đề dạng 1    HDC ĐỀ THI THAM KHẢO
CHỌN HSG LỚP 12 CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2024-2025
Môn: Ngữ Văn
(Hướng dẫn chấm gồm 05 trang)
Phần    Câu    Nội dung    Điểm
         Các câu hỏi trong đề thi ra theo hướng mở, thí sinh được quyền trả lời theo ý hiểu của bản thân, nhưng cần đảm bảo sức thuyết phục. Giám khảo tham khảo các gợi ý sau để đánh giá, cho điểm.    
I        ĐỌC HIỂU    4,0
    1    Ý nghĩa nhan đề văn bản: 
- Cỏ dại: hình ảnh của những sự vật bình thường trong thế giới muôn loài.
- Đức hiếu sinh: sự quý trọng sinh mệnh, khát khao, nỗ lực hết mình để sống.
- Nhan đề sử dụng cách diễn đạt giản dị gợi mở ý tưởng của văn bản: vạn vật trên cõi đời này đều biết trân quý cuộc sống và luôn nỗ lực hết mình để sống có ý nghĩa dù ở trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào. Đây là khát vọng nhân văn giàu ý nghĩa.
 Hướng dẫn chấm
- Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm
- Học sinh trả lời ý nghĩa chung của nhan đề: 0,25 điểm.  
- Học sinh trả lời không đúng hoặc không làm bài: không cho điểm    0,5
    2    - Thế giới tự nhiên khi đối diện với những khó khăn muốn tồn tại phải nhờ vào  sự nỗ lực của từng nhánh. 
- Hình ảnh trong tự nhiên gợi liên tưởng đến cuộc sống của con người: Mọi thành quả lớn lao, tốt đẹp đều được tạo ra từ sự nỗ lực nhỏ bé.  
Hướng dẫn chấm
- Học sinh trả lời như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 0,5 điểm 
- Học sinh trả lời được 01 ý: 0,25 điểm
- Học sinh trả lời không đúng hoặc không làm bài: không cho điểm    0,5
    3     Tác dụng của việc sử dụng phổ biến kiểu câu cầu khiến trong văn bản:     
-  Các câu cầu khiến được sử dụng trong văn bản: Vạn vật trên cõi đời này đều phải nỗ lực hết mức để tồn tại/ Để sống còn, tất cả đều phải nỗ lực hết mình/ Các bạn hãy coi trọng từng giây, coi trọng từng phút, nỗ lực và nỗ lực không ngừng.
- Tác dụng:
+ Tạo giọng điệu, (bổ sung tác dụng về nghệ thuật)
tác động đến nhận thức của người đọc giúp cho việc truyền đạt thông tin chính xác, rõ ràng. 
+ Tăng tính khẳng định trong văn bản nghị luận: vạn vật cũng như con người muốn thành công phải biết quý trọng thời gian và phải luôn nỗ lực hết mình. 
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh trả lời đủ 2 ý như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 0,5 điểm
- Học sinh trả lời đúng 1 ý trong đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 0,25 điểm
- Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai: không cho điểm.    0,5
    4    - Điểm tương đồng 
+ Cả 2 văn bản đều sử dụng hình ảnh ẩn dụ lấy từ thiên nhiên  (Cỏ dại, sương ) để suy ngẫm về cuộc sống, con người.
+ Hướng tới việc nêu bài học bổ ích trong cuộc sống: con đường đến với thành công chưa bao giờ đơn giản, con đường ấy đầy nắng gắt, bão tố. Muốn đạt được điều mong muốn cần phải có một thái độ sống tích cực (Tự tin, chủ động đối diện với thử thách và phải luôn nỗ lực hết mình…)
-  Điểm khác biệt.
+ Văn bản Cỏ dại cũng có lòng hiếu sinh nghiêng về việc bàn luận, bày tỏ quan điểm của người viết về lối sống, thái độ sống. 
+ Bốn câu thơ của Thanh Thảo ngoài sự gợi mở những suy ngẫm về con người, cuộc sống tác giả còn mượn hình ảnh thơ (Giọt sương, lá cỏ) để bày tỏ cảm xúc về cái đẹp: cái đẹp lên hương từ cuộc sống, cái đẹp bình dị khiêm nhường, mỏng manh nhưng tiềm ẩn sức sống bền bỉ, vững bền, bất biến đủ để chúng ta trân trọng, yêu quý. 
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh trả lời đủ ý như đáp án hoặc diễn đạt tương đương:1,25 điểm
- Học sinh so sánh chỉ ra được điểm tương đồng: 0,5 điểm
- Học sinh so sánh chỉ ra được điểm khác biệt về nội của 2 văn bản: 0,75 điểm.
- Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai: không cho điểm.    1,25
    5    Học sinh nêu suy nghĩ về quan điểm phù hợp, thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Có thể tham khảo định hướng sau:
- Quan điểm: quý trọng thời gian, tận dụng quỹ thời gian hữu hạn của cuộc đời phấn đấu nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu tốt đẹp nhất.
- Suy nghĩ về quan điểm trong cuộc sống hiện nay:
+  Thời gian là tấm vải dệt nên cuộc đời nên quý trọng thời gian là biểu hiện của thái độ sống trân trọng hiện tại và ý thức sử dụng thời gian hữu ích để tạo nên thành tựu của cuộc sống.  
+ Nỗ lực không ngừng là cách để tạo phiên bản mới hoàn hảo cho bản thân và giúp ích cho cộng đồng.  
+ Đây là quan điểm tích cực của con người thời đại mới để nhanh chóng hoà nhập với xu thế phát triển của xã hội hiện đại. 
Hướng dẫn chấm
- Học sinh trả lời đủ ý như đáp án hoặc diễn đạt tương đương:1,25 điểm
- Học sinh hiểu được quan điểm: 0,5 điểm
- Học sinh nêu được suy nghĩ đúng đắn về quan điểm trong xã hội ngày nay: 0,75 điểm.
- Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai: không cho điểm.    1,25

    
1    VIẾT    6,0
             Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm về cách tạo ra điều may mắn cho chính mình.     2,0
        a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: viết đoạn văn nghị luận xã hội.    0,25
        b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: bày tỏ quan điểm cá nhân về cách tạo ra điều may mắn cho chính mình.     0,25
        c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận.
        Thí sinh có thể chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải thể hiện được quan điểm về cách tạo ra điều may mắn cho chính mình. Có thể triển khai theo hướng: 
-Giải thích:  May mắn là khái niệm dùng để chỉ những điều tốt đẹp, tích cực, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người. Trong hành trình cuộc sống con người phải biết cách tự tạo ra những điều kiện để may mắn đến với mình. 
- Cách tạo ra điều may mắn :
+ Xây dựng cho mình niềm tin, tâm thế chủ động tìm kiếm, nắm giữ cơ hội mà cuộc sống trao tặng. 
+ Duy trì thái độ sống tích cực (Có ước mơ, khát vọng, nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo...) dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.
+ Dám nghĩ, dám hành động, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để tạo ra cái mới, sự khác biệt.
+ Sống nhân văn để tạo lập những mối quan hệ tốt đẹp nhất với cộng đồng, lan tỏa điều tốt đẹp đến cộng đồng.     0,5
        d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lý lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và bằng chứng
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lý theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
Lưu ý: học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.    0,5
        đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng việt, liên kết câu trong đoạn văn.    0,25
        e. Sáng tạo
Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, ấn tượng.    0,25
    2          Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh cảm hứng về đất nước trong hai đoạn thơ sau:    4,0
        a. Xác định yêu cầu của kiểu bài: viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai đoạn trích trong hai tác phẩm thơ.     0,25
        b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: so sánh, đánh giá cảm hứng nghệ thuật về đất nước trong hai đoạn thơ.     0,5
        c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
- Xác định được các ý chính của bài viết 
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) của bài văn nghị luận.
- Có nhiều cách trình bày nội dung đánh giá, so sánh. Người viết cần linh hoạt trong việc chọn cách trình bày phù hợp với hiểu biết và hứng thú của bản thân. Có thể triển khai các nội dung so sánh, đánh giá theo những định hướng sau: 
* Giới thiệu hai đoạn thơ và định hướng so sánh: hai đoạn thơ vừa có sự gặp gỡ trong cảm hứng nghệ thuật vừa có điểm đặc sắc, hấp dẫn riêng. 
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Tác giả, tác phẩm
- Phân tích điểm tương đồng trong cảm hứng về đất nước qua hai đoạn thơ: 
+ Cảm hứng về đất nước được thể hiện chân thành, thiết tha, nồng hậu, mãnh liệt qua thể thơ tự do, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng thơ xúc động, da diết cùng nhiều biện pháp nghệ thuật.  
+ Đất nước được cảm nhận từ những góc nhìn đa dạng: lịch sử, quá khứ, hiện tại, ngày mai.  
- Điểm khác biệt, sức hấp dẫn riêng trong cảm hứng về đất nước qua hai đoạn thơ:  
+ Đoạn thơ của tác giả Trần Vàng Sao thể hiện góc nhìn về Đất Nước nghiêng về hiện thực nỗi đau, sự khó nhọc của con người (Tôi yêu đất nước này lầm than, Tôi yêu đất nước này áo rách, căn nhà dột phên không ngăn nổi gió… ). Tác giả bày tỏ tình yêu tha thiết với đất nước (Tôi yêu đất nước này như thế...)
 + Đoạn thơ của tác giả Lưu Quang Vũ: cảm hứng về đất nước luôn được gợi lên từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi thân thương thấm đẫm hương vị đất đai, sông nước, hoa lá quê nhà (Con đường, dòng sông, ngọn cau…). Tác giả khao khát mang tình yêu để xoa dịu mọi nỗi nhọc nhằn của đất nước (Ước chi được hoá thành ngọn gió…) 
-  Yếu tố tạo nên điểm tương đồng và khác biệt: sự đồng điệu của tâm hồn thi nhân với đất nước; sự sáng tạo thuộc về phong cách tác giả, đặc trưng thơ ca, xu hướng thời đại…
* Kết thúc vấn đề nghị luận:
-  Khẳng định ý nghĩa của việc so sánh, đánh giá 2 đoạn thơ viết về đất nước. 
- Nêu cảm nhận chung, ấn tượng của bản thân về các đoạn thơ.    1,0
        d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: 
- Triển khai ít nhất 02 luận điểm (tương đồng, khác biệt)
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Khi phân tích điểm khác biệt của mỗi đoạn thơ cần chú ý đặt trong quan hệ đối sánh để làm nổi bật đóng góp riêng. 
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng (Bằng chứng cụ thể, đa dạng, có chọn lọc từ hai đoạn trích)
Lưu ý: học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với nội dung văn bản.    1,5
        đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng việt, liên kết văn bản.    0,25
        e. Sáng tạo: 
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. Biết sử dụng kiến thức lí luận văn học, ý kiến, nhận định tăng sức hấp dẫn thuyết phục cho bài viết.     0,5
Tổng điểm    10,0
……Hết…….

Chia sẻ bài viết
Bạn cần phải đăng nhập để đăng bình luận
Top