SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐAKLAK ĐỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ GIỮA KÌ II LỚP 12
TRƯỜNG THPT LÊ HỒNG PHONG Môn Ngữ Văn. Năm học 2024 - 2025
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề có 02 trang)
I. Đọc hiểu (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
BUỔI ĐẦU TIÊN HỌC TRƯỜNG YÊN PHỤ
Tôi chỉ có tội ham chơi chứ học không đến nỗi dốt lắm, vì cha tôi dạy tôi chữ Nho rồi chữ Quốc ngữ chung với vài đứa em họ tôi và con một người bạn của mẹ tôi. Chúng đều hơn tôi hai, ba tuổi mà học kém tôi.
Học như vậy được khoảng hai năm, rồi cha tôi nhờ một thầy kí có bằng Tiểu học Pháp Việt dạy vần Tây cho tôi. Đầu năm Canh Thân (1920), cha tôi xin cho tôi được vào học lớp dự bị Trường Yên Phụ. Lúc đó, vào giữa năm học, chắc tôi không được chính thức ghi tên vô sổ.
Buổi học đầu tiên của tôi nhằm ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Cha tôi dậy sớm, sắp xếp bút mực, thước kẻ, sách vở vào cái cặp da nhỏ (một xa xỉ phẩm thời đó) rồi khăn áo chỉnh tề, thuê một chiếc xe kéo bánh sắt (chưa có bánh cao su) để đưa tôi tới trường ở dưới chân đê Yên Phụ, cách nhà tôi hai cây số, dắt tôi lại chào thầy Hà Ngọc Chử, gởi gắm tôi với thầy. Ngày nay, đọc lại hai trang đầu bài Tựa cuốn Thế hệ ngày mai, trong đó, tôi chép lại một buổi học đầu tiên của tôi và buổi học đầu tiên của con tôi ngoài hai chục năm sau vẫn còn bùi ngùi: tình cha tôi đối với tôi, và tình vợ chồng tôi đối với con tôi, sự săn sóc của chúng tôi đối với con y như nhau, hai thế hệ một tấm lòng, một tinh thần.
Tôi còn thấy rõ nét mặt của cha tôi, của thầy Chử, cảnh sân trường, cảnh lớp học, tưởng đâu như việc mới xảy ra tháng trước, thế mà đã sáu chục năm qua rồi. Bài Tựa đó đã làm cảm động nhiều độc giả, có người định lựa cho vào một tập Văn tuyển.
Hôm đó, cả sáng lẫn chiều, cha tôi đưa tôi tới trường, rồi đợi tan học lại đưa tôi về.
Nhưng chỉ ngày hôm sau, cha tôi kiếm được một bạn học cùng lớp với tôi, lớn hơn tôi một, hai tuổi, nhà ở Hàng Mắm gần nhà tôi, và nhờ em đó hễ đi học thì rẽ vào nhà tôi, đón tôi cùng đi. Từ đó, người khỏi phải đưa tôi nữa, và mỗi ngày tôi với bạn đi đi về về bốn lượt, từ nhà tôi tới trường, từ trường về nhà. Mùa hè để tránh nắng, chúng tôi theo bờ đê Nhị Hà, qua phố Hàng Nâu, Ô Quan Chưởng gần cầu Đu-me (Doumer) (cầu Long Biên), bến Nứa để hưởng hương thơm ngào ngạt của vài cây đuôi chồn (loại lilas) ở khỏi dốc Hàng Than, lá mùa xuân xanh như ngọc thạch, mùa đông đỏ như lá bàng. Mùa đông để tránh gió bấc từ sông thổi vào, chúng tôi theo con đường ở phía trong, xa hơn, qua phố Hàng Đường, Hàng Than, sau nhà máy nước, nhà máy thuốc lá. Có lẽ, nhờ đi bộ như vậy, mỗi ngày tám cây số, luôn năm, sáu năm trời nên thân thể cứng cáp, mặc dầu thiếu ăn thiếu mặc.
(Trích Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn học Hà Nội, 1993)
Thực hiện các yêu cầu/trả lời câu hỏi:
Câu 1. Chỉ ra những dấu hiệu để xác định đoạn trích trên thuộc thể loại hồi kí.
Câu 2. Chỉ ra từ đa nghĩa trong câu: “Cha tôi dậy sớm… để đưa tôi tới trường ở dưới chân đê Yên Phụ”.
Câu 3. Tính phi hư cấu của đoạn trích được thể hiện qua các yếu tố nào?
Câu 4. Nêu cảm xúc của nhân vật “tôi” đối với người cha trong đoạn trích.
Câu 5. Từ đoạn trích, em hãy nêu ngắn gọn(khoảng 5- 7 dòng) suy nghĩ của mình về vai trò của cha mẹ đối với việc học tập của con cái.
II. Viết (6,0 điểm)
Câu 1(2.0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tác dụng của thủ pháp nghệ thuật miêu tả kết hợp với trần thuật trong đoạn trích ở phần đọc hiểu trên.
Câu 2.(4.0 điểm)
Đời sống đương đại có những chuyển biến đa chiều, phức tạp, có những câu chuyện trục lợi niềm tin, lòng trắc ẩn trước nỗi đau, mất mát, nhưng vẫn luôn còn những tấm lòng nhân ái.
Từ hiểu biết kết hợp trải nhiệm cá nhân, em hãy viết bài văn nghị luận
(khoảng 600 chữ) trình bày những suy nghĩ của mình về “những tấm lòng nhân ái” trong cuộc sống đời thường.
-----HẾT-----
ĐÁP ÁN:
1. ĐỌC HIỂU:
- Những dấu hiệu để xác định đoạn trích thuộc thể loại hồi kí: Người kể chuyện thuộc ngôi thứ nhất xưng “tôi”, kể lại những sự việc có thật mà người viết trực tiếp tham dự, chứng kiến trong quá khứ như: tôi ham chơi, cha tôi nhờ một thầy kí dạy vần Tây cho tôi... Nêu được mỗi ý chấm (0,25 điểm)
- Từ “chân” là từ đa nghĩa (0.5 điểm)
- Tính phi hư cấu được thể hiện ở các sự kiện trong câu chuyện gắn liền với các yếu tố có căn cứ xác thực như:
+ Thời gian: Năm 1920, mồng 7 tháng Giêng âm lịch
+ Địa điểm: Trường Yên Phụ, nhà ở Hàng Mắm, bờ đê Nhị Hà…
+ Nhân vật: người cha, nhân vật xưng “tôi”, thầy kí… HS nêu 01 yếu tố chấm 0,25 điểm, 02 yếu tố chấm 0,5 điểm, 03 yếu tố trở lên chấm 1,0 điểm
- Cảm xúc của nhân vật “tôi” đối với người cha: bùi ngùi, xúc động, nhớ thương
HS nêu 01 yếu tố chấm 0,25 điểm, 02 yếu tố chấm 0,5 điểm, 03 yếu tố trở lên chấm 1,0 điểm
- Có thể trình bày suy nghĩ theo hương: Cha mẹ luôn là những người chuẩn bị chu đáo, lo lắng, thiết lập cho con thói quen học tập tốt, định hướng học tập, gợi cảm hứng tìm hiểu, khám phá, kích thích việc học của con. HS nêu 02 yếu tố chấm 0,25 điểm, 03 yếu tố chấm 0,5 điểm, 04 yếu tố trở lên chấm 1,0 điểm….
- Hãy viết một đoạn văn nghị luận(khoảng 200 chữ) phân tích tác dụng của thủ pháp nghệ thuật miêu tả kết hợp với trần thuật trong đoạn trích ở phần đọc hiểu trên (2.0 điểm).
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng đoạn văn (0.25 điểm)
- Đảm bảo yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ cộng trừ 100 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo lối diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, song hành, móc xích…
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: phân tích tác dụng của thủ pháp nghệ thuật miêu tả kết hợp với trần thuật trong một đoạn trích hồi kí. (0.25 điểm)
c. Viết đoạn văn đảm bảo yêu cầu: phân tích tác dụng của thủ pháp nghệ thuật miêu tả kết hợp với trần thuật trong một đoạn trích hồi kí.
HS có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau miễn là hợp lí và thuyết phục; cần xem xét trừ điểm các lỗi về hình thức và diễn đạt. Tham khảo cách triển khai và một số nội dung cụ thể sau:
c1. Giới thiệu được các sự việc, các yếu tố miêu tả: các việc người cha chuẩn bị cho con đến trường học buổi đầu tiên, người con cảm nhận về cha, nhớ lại những ngày đầu đến trường học..( Cha tôi dậy sớm, sắp xếp bút mực, thước kẻ, sách vở vào cái cặp da nhỏ (một xa xỉ phẩm thời đó) rồi khăn áo chỉnh tề, thuê một chiếc xe kéo bánh sắt,… cha tôi kiếm được một bạn học cùng lớp với tôi, lớn hơn tôi một, hai tuổi,.. Bến Nứa để hưởng hương thơm ngào ngạt của vài cây đuôi chồn (loại lilas) ở khỏi dốc Hàng Than, lá mùa xuân xanh như ngọc thạch, mùa đông đỏ như lá bàng.)(0,25 điểm)
c2. Tác dụng của thủ pháp nghệ thuật miêu tả kết hợp với trần thuật làm cho
+ Sự kiện về sự việc, con người hiện lên cụ thể, sinh động(0,25 điểm)
+ Cảm xúc, tính cách của nhân vật được bộc lộ một cách chân thật, sinh động: Người con bùi ngùi, xúc động, nhớ thương cha. Người cha quan tâm hết mức đến việc học hành của con, đặc biệt là buổi học đầu tiên.(0,5điểm)
+ Thông qua sự kiện buổi học đầu tiên của nhân vật “tôi” ở trường Yên Phụ, đoạn trích đề cao sự quan tâm, đồng hành của cha mẹ đối với việc học của con cái(0,25 điểm)
HƯỚNG DẪN CHẤM
HS có thể trình bày và diễn đạt giống đáp án hoặc tương tự, miễn là thuyết phục.
- Cho 0 điểm nếu làm sai hoặc không làm.
- Cho 0,25 điểm nếu nêu được ý c1.
- Cho 0,25 nếu viết được ý 1 của c2
- Cho 0,5 điểm cho ý 2 của c2.
- Cho 0,25 điểm cho ý 2 của c2.
- Cho 0,25 điểm nếu diễn đạt hay và có ý sáng tạo.
- Trừ điểm mắc lỗi (diễn đạt lủng củng, sai chính tả, dùng từ và chấm câu sai, chữ viết cẩu thả): trừ 0,5 điểm nếu đoạn văn mắc từ 5-7 lỗi; mắc từ 8-10 lỗi trừ 0,75 điểm; mắc trên 10 lỗi không cho vượt quá nửa số điểm cả câu. Viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về “những tấm lòng nhân ái” trong cuộc sống đời thường.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng bài văn
- Đảm bảo yêu cầu về hình thức của kiểu bài nghị luận xã hội và dung lượng bài văn (khoảng 500 chữ, cộng trừ 150 chữ)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: suy nghĩ của mình về “những tấm lòng nhân ái” trong cuộc sống đời thường.
c. Viết được bài văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu.
HS có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau miễn là hợp lí và thuyết phục; cần xem xét trừ điểm các lỗi về hình thức và diễn đạt. Tham khảo cách triển khai và một số nội dung cụ thể sau:
1. Mở bài. Giới thiệu được vấn đề nghị luận: : Giới thiệu vấn đề nghị luận. Nêu quan điểm của người viết về vấn đề về “những tấm lòng nhân ái” trong cuộc sống đời thường.
2. Thân bài
2.1. Biết giải thích thế nào là lòng nhân ái ?
Lòng nhân ái là phẩm chất, là tình yêu thương giữa con người với con người, là sự chia sẻ, cảm thông lúc hoạn nạn luôn giúp đỡ san sẻ với nhau
2.2. Nêu được những biểu hiện lòng nhân ái trong cuộc sống đời thường
- Sẵn sàng đồng cảm và giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn.
- Yêu thương mọi người mà không đặt ra điều kiện.
- Sống hòa mình với xã hội, mang lại tác động tích cực cho mọi người
xung quanh.
- Dẫn ra và phân tích các bằng chứng
2.3. Chỉ ra được ý nghĩa (vai trò, tác dụng) lòng nhân ái trong cuộc sống
- Tạo ra một xã hội hòa thuận và phồn thịnh hơn.
- Nâng cao giá trị cuộc sống và tạo điều kiện cho sự phát triển của cả
cộng đồng.
- Lòng nhân ái là nền tảng cho sự hiểu biết, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau.
- Dẫn ra và phân tích các bằng chứng
2.4. Biết mở rộng, nâng cao vấn đề
- Còn tồn tại những trường hợp người ta chỉ quan tâm đến bản thân, vô tâm và ích kỉ, thậm chí trục lợi lòng nhân ái để thu lợi cho bản thân, tạo ra những tình huống không công bằng và thiếu lòng nhân ái.
- Đề xuất những giải pháp nhân rộng những tấm lòng nhân ái trong cuộc sống đời thường
3. Kết bài: Khẳng định quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.