Cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc với Việt Nam diễn ra ở vùng biên giới hai nước đã trôi qua 45 năm. Có nhiều nghiên cứu được công bố, nhưng vẫn còn không ít góc khuất của cuộc chiến này.
Trong hầu hết dịp kỷ niệm, các bài viết đều sử dụng tiêu đề niên đại/mốc thời gian 1979. Điều này làm cho độc giả nghĩ rằng cuộc chiến này diễn ra và kết thúc trong năm 1979.
Vậy thực tế, cuộc chiến tranh biên giới mà Trung Quốc đã gây ra với Việt Nam tiến hành trong bao lâu? Là một cuộc chiến tranh hay 2 cuộc? Cuộc chiến chỉ diễn ra trong năm 1979 hay còn kéo dài về sau? Và khi nào thì nó chính thức kết thúc?
Thực tiễn đã cho thấy, cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc tiến hành đối với Việt Nam ở vùng biên giới trên bộ phía Bắc và trên biển, đảo đã diễn ra có tính liên tục trong vòng 10 năm, từ 1979 đến 1989. Về cơ bản, có thể chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Trung Quốc huy động 60 vạn quân chủ lực tấn công quân sự Việt Nam.
ừ 17/2 - 18/3/1979, ngày 17/2/1979, lấy lý do thực hiện một cuộc “phản kích tự vệ”, giới cầm quyền Trung Quốc huy động 60 vạn quân chủ lực tấn công quân sự đối với Việt Nam trên toàn tuyến phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1.000km.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, Trung Quốc đã xua quân đánh thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam (có những nơi quân đội Trung Quốc đã vào sâu từ 15-20km) ở nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, tiến hành các cuộc sát hại nhân dân, đốt phá và cướp bóc các thành phố, thị xã, làng mạc.
Hướng tiến công chủ yếu của quân Trung Quốc xâm lược là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); và hướng nghi binh là Quảng Ninh và Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang ngày nay). Với hành động đó, Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, một quốc gia độc lập, có chủ quyền và được quốc tế công nhận.
Đáp lại hành động gây chiến tranh phi nghĩa của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân dân Việt Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng, tiến hành cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược ở vùng biên giới phía Bắc. Ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra “Lời kêu gọi” đồng bào và chiến sĩ cả nước đứng lên bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 5/3/1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 446-NQ/QHK6 quyết định Tổng động viên trong cả nước. Căn cứ ra Quyết định được nói rõ là: “Căn cứ vào điều 53 của Hiến pháp năm 1959; Trước cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc đối với nước ta. Để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giành toàn thắng trong cuộc kháng chiến cứu nước; Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ”.
Điều 1 của Quyết định này nêu rõ: “Tổng động viên trong cả nước. Mọi công dân trong lứa tuổi do Luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ. Huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu cần thiết của cuộc kháng chiến cứu nước”. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký Lệnh số 29 Tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc. Các văn kiện này đã được đăng trên Báo Nhân dân số 9036 ra ngày 6/3/1979.
Trước sự kiên quyết của Đảng và Nhà nước cũng như tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân và dân Việt Nam, trưa ngày 5/3/1979, giới cầm quyền Trung Quốc đã tuyên bố bắt đầu rút quân. Và chiều cùng ngày, quân đội Trung Quốc bắt đầu rút khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Thể hiện thiện chí hòa bình, khi Trung Quốc rút quân, Đảng và Nhà nước Việt Nam tuyên bố không truy kích. Song, từ ngày 6/3/1979, trong quá trình rút lui về nước, quân đội Trung Quốc đã vừa rút vừa đánh phá, gây thêm nhiều thiệt hại về người và của đối với đồng bào các dân tộc Việt Nam ở vùng giáp biên giới.
Trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh kéo dài ở biên giới phía Bắc, ngày 11/3/1979, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra Chỉ thị số 84 về chế độ làm việc và luyện tập quân sự trong tình hình mới. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc mới rút hầu hết quân khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, một bộ phận quân chủ lực Trung Quốc “vẫn chiếm đóng trái phép một số nơi thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, có nơi sâu trong nội địa Việt Nam từ 200-600m; thường xuyên gây xung đột vũ trang, làm cho tình hình trên tuyến biên giới tiếp tục căng thẳng kéo dài”.
Giai đoạn 2: Cuộc chiến tranh chuyển từ diện rộng toàn tuyến sang diện điểm.
Từ sau ngày 18/3/1979 cho đến cuối năm 1985, đây là giai đoạn cuộc chiến tranh chuyển từ diện rộng toàn tuyến sang diện điểm, cục bộ. Sau khi rút một bộ phận lớn quân đội khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc đe dọa “dạy cho Việt Nam bài học thứ hai”, tiếp tục có những động thái gây hấn, sử dụng quân sự để tấn công, phá hoại tiềm lực quốc phòng, cơ sở vật chất - kỹ thuật ở biên giới các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.
Từ sau ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc tiếp tục sử dụng pháo, súng cối bắn phá trên toàn tuyến biên giới; đồng thời, tổ chức nhiều đợt tấn công lấn chiếm nhiều điểm trên khu vực biên giới thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc lựa chọn Hà Tuyên và lấy Vị Xuyên làm điểm tấn công lấn chiếm. “Từ một địa bàn được xác định là hướng thứ yếu, Vị Xuyên nhanh chóng trở thành một điểm nóng, một mặt trận điểm trong chính sách gặm nhấm, gây xung đột biên giới của nhà cầm quyền Bắc Kinh”.
Chỉ tính từ tháng 4/1979 đến tháng 12/1980, Trung Quốc bắn pháo 282 lần, xâm nhập vũ trang 157 vụ. Bộ đội địa phương tỉnh Hà Tuyên đánh trả 45 lần, trong đó 44 lần đánh trả bằng pháo binh, tiêu diệt 477 tên địch, bắt sống 34 tên địch. Ngày 31/3/1981, 1 đại đội quân Trung Quốc tiến công biên phòng Săm Pun, huyện Mèo Vạc. Ngày 7/5/1981, Trung Quốc sử dụng 2 trung đoàn bộ binh, 2 trung đoàn pháo binh tiến công lấn chiếm điểm cao 1800A, 1800B xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên.
Lực lượng vũ trang Việt Nam có 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 313, Quân khu 2 tổ chức phòng ngự. Ngày 25/5/1981, Trung Quốc dùng 2 trung đoàn bộ binh đánh chiếm điểm cao 1688 xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Trong 2 năm 1982-1983, phía Trung Quốc đã tung biệt kích, thám báo để phục kích bắt các chiến sĩ Việt Nam để khai thác thông tin và tiếp tục dùng pháo, cối bắn sang lãnh thổ Việt Nam. Năm 1984 là năm chiến sự xảy ra ở huyện Vị Xuyên và huyện Yên Minh (Hà Tuyên) - “điểm nóng” nhất trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Từ tháng 4/1984, quân Trung Quốc dùng pháo binh bắn phá toàn tuyến biên giới tỉnh Hà Tuyên, kéo dài dai dẳng, ác liệt trong gần 1 tháng; và mở nhiều đợt tiến công lấn chiếm vào lãnh thổ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên). Sau nhiều ngày dùng pháo binh bắn phá ác liệt vào các tỉnh biên giới của Việt Nam, ngày 28/4/1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công xâm lược lấn chiếm biên giới Việt Nam; đây là cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của Trung Quốc vào Việt Nam.
Trung Quốc đã lần lượt huy động nhiều đơn vị, tổng số khoảng 50 vạn quân từ 8 trong 10 đại quân khu để tấn công vào Việt Nam, chủ yếu ở Vị Xuyên, Hà Giang ngày nay. “Với một chính diện khoảng 20km, sâu khoảng 10km; mục tiêu là lấn tới bắc suối Thanh Thủy, để vẽ lại đường biên giới sâu vào đất Việt Nam khoảng 5km”.
Cho đến cuối tháng 4/1984, "quân Trung Quốc đã chiếm được tất cả các điểm cao trên tuyến biên giới: 1509, 772, 685, 266, 233 - Tây Sông Lô. Quân ta thương vong lớn phải lui về tuyến thấp tổ chức phòng ngự để ngăn chặn quân Trung Quốc không cho chúng lấn sâu vào đất ta”. Để chiếm lại các vị trí đã mất, đẩy lui quân xâm lược, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 chủ trương tổ chức chiến dịch phản công mang tên mật danh MB84.
Ngày 12/7/1984, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 2 (Mặt trận Vị Xuyên) tổ chức trận đánh mở màn cho chiến dịch “MB84” nhằm thu hồi một số vị trí bị phía Trung Quốc chiếm giữ trong các ngày 28/4 và 15/5/1984 ở khu vực hai bên bờ Tây và Đông Sông Lô cận kề cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên. Tuy nhiên, do bất lợi về địa hình và hỏa lực nên “việc thực hiện chiến dịch “MB84” ngày 12/7/1984 của 3 sư đoàn: 356, 316, 312 tấn công đánh chiếm lại các cao điểm 772, 233, 1030 đều không thành công.
Quân ta thương vong nặng, có thể nói đây là ngày “đẫm máu nhất”, thương vong nhiều nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm, bảo vệ biên giới Vị Xuyên, Hà Tuyên từ năm 1984 đến năm 1989. Do đó, cán bộ, chiến sĩ ta đã chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên gọi ngày 12/7/1984 là ngày “Giỗ trận” các liệt sĩ đã hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên.
Từ sau thất bại này, nhất là từ khi Thiếu tướng Hoàng Đan được cử lên làm Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên, sau khi điều tra thực tiễn chiến trường, ông đã thay đổi chiến thuật tác chiến của quân ta, chuyển từ “công đối công” sang chiến thuật đánh “phòng ngự và lấn dũi”.
Con trai ông cho biết: “Việc đầu tiên ba tôi làm khi lên đến Vị Xuyên là thay đổi toàn bộ cách đánh trước đó. Không cho quân dàn hàng ngang đấu tay đôi với Trung Quốc nữa, ông yêu cầu bộ đội quay trở về chiến thuật thời Điện Biên Phủ. Ông lệnh cho bộ đội đào hầm để tránh pháo kích của địch; đào hào sát đến tận công sự địch, sử dụng tất cả các hang hốc để bố trí lực lượng, rồi tổ chức những nhóm nhỏ cấp trung đội, tiểu đội để tấn công bất ngờ. Thực tế là những tổn thất về con người từ đó đến năm 1985 cộng lại cũng không nặng nề bằng vài tuần đầu của chiến dịch”.
Trung tướng Đặng Quân Thụy - nguyên Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) - nhận định: “Như vậy, mặt trận Vị Xuyên lúc đầu là điều quân ồ ạt, đánh chớp nhoáng giành lại điểm cao trên biên giới bị đối phương lấn chiếm, nhưng công tác chuẩn bị gấp gáp nên chưa thành công. Sau đó ta chủ trương đánh lâu dài, củng cố công sự trận địa, kiên quyết giữ vững trận địa, đồng thời tổ chức đánh trả đích đáng, gây cho chúng tổn thất. Chúng bị tổn thất nhiều, lại không đạt được ý đồ đẩy ta xuống phía Nam suối Thanh Thủy, vẽ lại đường biên giới, ý chí bị lung lay. Cuối cùng đến năm 1989, cùng với những yếu tố chính trị, họ phải rút quân về”.
Thay đổi chiến thuật tác chiến như vậy đã giúp quân và dân ta đẩy lui các đợt tấn công lớn của địch vào đầu và giữa năm 1985. Việc thay đổi chiến thuật tác chiến cũng đã làm cho cục diện của cuộc chiến tranh có sự thay đổi dần và chuyển sang một một giai đoạn mới, giai đoạn vừa đánh, vừa đàm.
Giai đoạn 3: Vừa đánh vừa đàm, chấm dứt chiến tranh.
Từ 1986 đến tháng 10/1989, giai đoạn cầm cự, vừa đánh, vừa đàm và chấm dứt chiến tranh. Chiến trường chủ yếu vẫn diễn ra ở Vị Xuyên, Hà Giang. Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên) thì “Sang năm 1986, ta với địch chủ yếu sử dụng pháo, súng cối đánh phá các trận địa phòng ngự, sát thương sinh lực của nhau. Đến tháng 10/1986, sau một thời gian dùng pháo binh, súng cối bắn phá vào trận địa phòng ngự của ta, quân địch đặc biệt tập trung bắn vào bình độ 1100, 1000, Nậm Ngặt”.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công của địch đã lần lượt bị ta bẻ gãy. Đây cũng là lúc mà ta bắt đầu thực hiện chiến thuật “tâm lý chiến”, đẩy cao công tác binh vận, làm lung lay ý chí chiến đấu của quân địch ở mặt trận. Cùng với đó, Báo cáo chính trị của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI tháng 12/1986 cũng đã thể hiện rất rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam khi đưa ra tuyên bố:
“Chính phủ và nhân dân Việt Nam, trước sau như một, quý trọng và nhất định làm hết sức mình để khôi phục tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, và đã đưa ra nhiều đề nghị nhằm sớm bình thường hóa quan hệ giữa nước ta và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Lập trường của chúng ta là lấy lợi ích cơ bản và lâu dài của hai nước làm trọng. Chúng ta cho rằng đã đến lúc hai bên cần ngồi lại cùng nhau thương lượng để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài trong quan hệ giữa hai nước. Một lần nữa, chúng ta chính thức tuyên bố rằng: Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc bất cứ lúc nào, bất cứ cấp nào và bất cứ ở đâu nhằm bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới”.
Với quan điểm này, cục diện vừa đánh, vừa đàm đã dần hình thành và thúc đẩy cuộc chiến tranh chuyển sang tình trạng mới, bớt căng thẳng hơn. Sang năm 1987, tình hình cuộc chiến ở chiến trường Vị Xuyên hầu như chỉ căng thẳng vào đầu năm khi địch thay quân.
Để thể hiện thiện chí hòa bình “ngày 26/6/1987, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thông điệp miệng cho ông Đặng Tiểu Bình đề nghị có cuộc gặp riêng Việt Nam - Trung Quốc nhằm hợp tác trong việc thúc đẩy tiến trình giải quyết vấn đề Campuchia”.
Và “năm 1988, Trung Quốc không tổ chức một đợt tấn công quy mô lớn nào vào các trận địa phòng ngự của ta, mà chủ yếu dùng pháo bắn phá các trận địa phòng ngự và sát thương sinh lực của ta”.
Vì thiện chí hòa bình, Việt Nam đã không làm phúc tạp thêm vấn đề mà tìm cách tháo gỡ trong thương lượng, đàm phán. “Ngày 15/7/1988, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đề nghị với Trung Quốc hàng loạt biện pháp nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ hai nước”.
Ta cũng đã chủ động rút quân chủ lực khỏi đường biên 40km. Do đó, từ cuối năm 1988, giới cầm quyền Trung Quốc cho quân dừng hoạt động pháo kích sang đất Việt Nam. Bước sang năm 1989, Trung Quốc ngừng bắn pháo vào Mặt trận Vị Xuyên. Ngày 15/5/1989, kẻ địch bắt đầu nổ mìn phá công sự ở điểm cao 233 và một số nơi khác, bắt đầu rút quân. Cũng từ đó, hai bên đã ngừng bắn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Đến tháng 10/1989, Trung Quốc rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Đến đây, cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung mới thật sự chấm dứt. Và sau cuộc Hội nghị cấp cao không chính thức giữa Việt Nam và Trung quốc tại Thành Đô (Trung Quốc) từ ngày 3-4/9/1990, quan hệ giữa hai nước bắt đầu có chiều hướng phát triển tích cực hơn. Năm 1991, hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.
Như vậy, nhìn lại các diễn biến có thể thấy rằng, nếu xét trên bình diện chiến tranh thì cuộc chiến đã kết thúc vào tháng 10/1989, khi mà quân đội chủ lực của hai bên đều đã rút khỏi đường biên giới hai nước, các hoạt động chiến tranh đã chấm dứt.
Cuộc chiến tranh này đã diễn ra trong một quá trình liên tục từ tháng 2/1979 cho đến tháng 10/1989, nếu tính theo năm thì 10 năm, nhưng tính đến tháng thì đã hơn 10 năm. Trong thời gian đó, đã có hàng vạn đồng bào và chiến sĩ Việt Nam ngã xuống, anh dũng hy sinh để kháng chiến, chặn đứng âm mưu xâm lược của Trung Quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do và sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia dân tộc.
Nghiên cứu về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung (1979-1989) không phải để khơi lại, gây chia rẽ thù hằn giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, mà nhằm tôn vinh những quân nhân Việt Nam đã tham gia chiến đấu, hy sinh và từ đó biết trân quý nền hòa bình hiện tại.
Cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung (năm 1979) mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Việt Nam và khu vực.
Cuộc chiến thể hiện tinh thần kiên cường của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và toàn vẹn lãnh thổ trước sự xâm lược từ Trung Quốc.
Dù phải đối mặt với một đối thủ mạnh hơn về quân sự, Việt Nam đã chứng minh khả năng đoàn kết và chiến đấu của nhân dân.
Sau khi giành độc lập và thống nhất đất nước (1975), Việt Nam phải đối diện với nhiều thử thách từ bên ngoài. Cuộc chiến biên giới cho thấy Việt Nam không chấp nhận sự can thiệp hay áp đặt từ bất kỳ quốc gia nào.
Cuộc chiến đã làm căng thẳng thêm quan hệ Việt – Trung và ảnh hưởng lớn đến chính trị khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam nhận được sự ủng hộ từ một số quốc gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Xô, trong việc phản đối sự xâm lược của Trung Quốc.
Chiến tranh gây ra nhiều đau thương, mất mát cho cả hai bên. Nhiều khu vực ở biên giới bị tàn phá nặng nề, để lại hậu quả kinh tế và xã hội kéo dài.
Tuy nhiên, sự kiện này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định để phát triển bền vững.
Cuộc chiến biên giới Việt – Trung không chỉ là một thử thách với Việt Nam mà còn là một dấu mốc quan trọng trong việc khẳng định ý chí và tinh thần độc lập của dân tộc.